Kỹ thuật nuôi dê sinh sản – Dấu hiệu nhận biết dê có chửa

Nuôi dê sinh sản là cách để bà con nhân giống đàn dê của mình nhanh nhất. Kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản bao gồm rất nhiều lưu ý, không phải ai khi mới bắt đầu nuôi dê cũng nắm được. Để biết rõ thông tin về các đặc tính sinh sản, cách phối giống, kỹ thuật chăm sóc dê sinh sản, cách nhận biết dê có chửa và một số lưu ý dành cho dê cái khi sinh đẻ… Mời bà con theo dõi bài viết sau của Trại Dê Thành Cát Tư.

Chu kỳ sinh sản của dê cái và dê đực

Trong quá trình nuôi dê sinh sản, bà con chú ý chu kỳ sinh sản của dê bao gồm chu kỳ mang thai của dê và chu kỳ sinh đẻ. Dê cái mang thai trung bình khoảng 150 ngày và đẻ 3 lứa trong khoảng 2 năm.

Chu kỳ sinh sản của dê cái

Chu kỳ động dục của dê cái bắt đầu từ 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần động dục cách nhau 19 – 21 ngày. Thường thì bà con nên bỏ những lần động dục đầu, không nên phối giống sớm ảnh hưởng sự phát triển của dê. Bắt đầu từ tháng tuổi thứ 8 – 10, dê đạt khối lượng khoảng 25 kg thì bà con mới cho phối giống. Thời gian động dục của dê cái kéo dài từ 1 – 3 ngày.

Các biểu hiện của dê cái muốn lên giống bà con nuôi dê sinh sản cần chú ý quan sát để phối giống kịp thời.

  • Dê hiếu động hơn, bồn chồn, kêu róng nhiều
  • Âm hộ sưng đỏ, chảy nước nhầy,
  • Vẩy tai và đuôi nhanh, liên tục
  • Dê sút ăn
  • Bám sát theo dê đực

kỹ thuật nuôi dê sinh sản

Chu kỳ sinh sản của dê đực

Trong khi nuôi dê sinh sản, bà con chọn những giống dê đực to khỏe để làm giống. Dê đực bắt đầu động dục sớm hơn dê cái, từ 5 – 6 tháng tuổi, nhưng bà con nên cho dê phối giống khi đạt 30kg. Dê đực không sinh sản theo mùa, thể tích tinh dịch khoảng 0,1 – 1,5 ml, mật độ tinh trùng là 2 – 6 tỷ/ml. Một dê đực có thể phối cho 30 – 40 dê cái. 

Tham khảo: Kỹ thuật chọn dê giống năng suất cho nhà nông



Cách phối giống cho dê đực và dê cái

Cách phối giống rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi dê sinh sản. Bà con có thể nhốt dê đực với dê cái phối giống với nhau sau 18 h, kể từ lúc dê cái có biểu hiện muốn lên giống. Lưu ý không cho dê cái phối giống quá sớm trước 12h và không quá trễ sau 36 h. Thời gian tốt nhất cho dê đực và dê cái phối là 18 – 36 giờ sau khi có biểu hiện đòi lên giống. Nếu phát hiện dê động dục vào buổi sáng thì bà con cho dê giao phối vào buổi chiều và ngược lại nếu dê bắt đầu có biểu hiện động dục vào buổi chiều thì cho giao phối vào buổi sáng.

cách phối giống khi chăn nuôi dê sinh sản

Sau khi giao phối, dê cái bắt đầu rụng trứng, có thể rụng 2-3 trứng. Trong quá trình nuôi dê sinh sản, số trứng rụng tăng dần theo độ tuổi, đạt cao nhất là khi dê cái  khoảng 5,6 tuổi và bắt đầu giảm dần sau đó. Tinh trùng của dê vào trứng và bắt đầu thụ tinh để dê cái mang thai.

Như vậy, trong thời gian nuôi dê sinh sản, bà con chú ý thời gian động dục, cho giao phối đúng thời điểm để tỷ lệ đậu thai đạt hiệu quả cao.

Cách nhận biết dê có chửa chính xác nhất

Trong quá trình nuôi dê sinh sản, bà con chú ý cách nhận biết dê có chửa như sau:

  • Thường tránh né dê đực, không muốn lên giống nữa
  • Biểu hiện cơ thể dê cái: Sau tháng đầu thai kỳ, bụng và hông dê cái to hơn, đầu vú dài ra, cơ quan sinh dục sung đỏ. Sờ tay vào bụng thấy bụng cứng, phình ra do tử cung lớn hơn.
  • Theo dõi chu kỳ động dục: Thường thì cứ 19 – 21 ngày thì dê bắt đầu đòi nọc, nhưng khi mang thai thì sẽ không xuất hiện các biểu hiện đó nữa.

Trong quá trình nuôi dê sinh sản, bà con cần chú ý là sau khi dê cái mang thai thì bà con tách dê ra, tuyệt đối không nhốt chung dê cái mang thai với dê đực. Vì dê đực có thể tấn công dê cái đòi nọc, ảnh hưởng đến thai nhi.

cách nhận biết dê có chửa chính xác nhất

Kỹ thuật nuôi dê sinh sản năng suất cao

Các loại thức ăn dành cho dê mang thai

Sau khi bạn xác định dê đã mang thai thì cần chuẩn bị chế độ dinh dưỡng phù hợp để nuôi dê sinh sản. Dê cái mang thai cần lượng dinh dưỡng cao hơn, đặc biệt vào 2 tháng cuối thai kỳ. Cần đáp ứng đủ chất lượng và số lượng để nuôi thai nhi và nhiều sữa sau sinh.

Bà con có thể chú ý một số loại thức ăn nuôi dê sinh sản chứa nhiều dinh dưỡng như sau:

  • Thức ăn thô xanh: Bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều đạm như cỏ linh lăng, cỏ sudan, cỏ ghine, cỏ voi Đài Loan, cỏ paspalum, lá mít…Đây là các loại cỏ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Bà con cho dê mang thai bổ sung nhiều vào 2 tháng cuối, sẽ giúp dê gia tăng lượng sữa nuôi con.
  • Thức ăn tinh: Các loại cám gạo, cám bắp, sắn… cũng cần bổ sung vào lượng thức ăn hằng ngày cho dê mang thai.
  • Muối và khoáng chất: Nước muối pha loãng, đá liếm cũng được bổ sung cho dê mang thai.

các loại thức ăn dành cho dê mang thai




Bảng hàm lượng thức ăn dành để nuôi dê sinh sản 

Thời kỳ mang thai  Lượng thức ăn thô xanh Lượng thức ăn tinh
20 ngày – 3 tháng  15 kg  2kg
Từ 4 tháng – đến khi sinh  7 kg  1kg

Tham khảo thêm: Top 5 loại cỏ nuôi dê năng suất và cách trồng cỏ nuôi dê chi tiết cho bà con

Cách đỡ đẻ cho dê và chuẩn bị cho dê đẻ

Chuẩn bị chuồng trại để dê đẻ

Các chuẩn bị chuồng trại dành cho nuôi dê sinh sản sắp đẻ, bà con cần lưu ý:

  • Thực hiện nhốt dê sắp đẻ vào chuồng riêng.
  • Chuồng nhốt dê đẻ phải được dọn dẹp, làm sạch
  • Phun nước vôi khu sàn chuồng trước 1 tuần để khử khuẩn
  • Trước khi đẻ 5 – 10 ngày, cho dê ăn ít thức ăn tinh lại tránh trường hợp viêm vú, sốt sữa
  • Phủ lớp rơm dày trên sàn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở
  • Có thể chuẩn bị lồng củi để nuôi dê con mới sinh khi cần thiết

Nguyên nhân và cách điều trị khi dê con bị liệt

Biểu hiện của dê cái sắp đẻ

Trong quá trình nuôi dê sinh sản, bà con phải ghi chép lại thông tin ngày lên giống để dự đoán chính xác ngày dê sẽ đẻ. Thông thường dê sinh sản mang thai dao động khoảng 145 – 157 ngày sẽ đẻ, bà con cần chú ý chuẩn bị chăm nom, quan sát khi tới dần 140 ngày.

  • Dê sắp đẻ có biểu hiện khó chịu, tiểu thường xuyên
  • Dê thường đứng lên, nằm xuống không yên
  • Bầu vú và âm hộ sưng to hơn, bụng bị tụt xuống
  • Âm đâm đạo mở ra, có dịch nhầy đặc, xuất hiện bọc nước ối

dê cái đẻ

Nếu dê cái mang bầu có các biểu hiện trên thì dê sắp đẻ. Thời gian dê đẻ là từ 1 – 4 tiếng tùy theo vị trí và số lượng thai. Thông thường, trong quá trình nuôi dê sinh sản, dê có thể tự đẻ một mình mà không cần sự hỗ trợ. Nhưng nếu dê thấy khó đẻ, bà con có thể giúp dê đỡ đẻ, sát khuẩn tay sạch sẽ, dùng tay đẩy thai nhi theo chiều thuận và dùng sức kéo dê con ra ngoài.

Sau khi dê con ra ngoài, dê mẹ sẽ liếm mình, miệng, mũi dê con, bạn cũng có thể chủ động dùng khăn lau nhớt trên người cho dê con.

Vuốt sạch máu từ cuốn rốn trở ra ngoài, dùng dây chỉ thắt cuốn rốn cách bụng 3 – 4 cm. Dùng kéo bén và sạch cắt bên ngoài chừng 1 – 1.5cm. Khử trùng lại bằng nước muối hoặc oxi già. Sau khi đẻ hết con, bà con tuyệt đối không để cho dê mẹ ăn nhau.

Xem thêm: Địa chỉ bán và mua dê giống giá rẻ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ

Chăm sóc dê mẹ sau sinh sản

Dưới đây là các kỹ thuật nuôi dê sinh sản vừa mới đẻ xong:

  • Sau khi dê mẻ đẻ sẽ rất tốn sức bà con cho dê uống nước cám pha muối loãng để dê hồi sức
  • Dùng khăn sạch nhúng nước ấm lau sạch bầu vú, âm hộ, thân cho dê mẹ
  • Nếu dê mẹ thấy đói hãy cho chúng ăn thỏa thích
  • Lót rơm để dê mẹ nằm nghỉ ngơi, dê con cũng sẽ được nằm quanh dê mẹ ủ ấm bú sữa.
  • Trong vài ba tuần đầu, bà con không để dê mẹ đi ra ngoài ăn chăn thả, đến khi nào dê con thực sự cứng cáp thì mới để chúng ra ngoài
  • Cho dê mẹ ăn các thức ăn thô xanh, non và các thức ăn tinh để có sữa nhiều. Lưu ý không cho ăn thức ăn tính nhiều tránh gây chướng bụng.

Như vậy, trại dê đã hướng dẫn đầy đủ các thông tin về nuôi dê sinh sản bao gồm giúp bà con hiểu về các chu kỳ sinh sản, kỹ thuật nuôi, phối giống, cách nhận biết dê có chửa và những chuẩn bị dành cho dê sắp đẻ.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Trại dê Thành Cát Tư để được hướng dẫn.